Kiểm tra hàng giả bằng mã vạch (barcode) – Sai lầm chết người!
Thực sự là sai lầm chết người khi phân biệt hàng thật, hàng giả bằng mã số mã vạch hay Barcode, điều mà rất nhiều người lầm tưởng khi quét (scan) được mã vạch bất kỳ là chắc chắn ‘hàng xịn’. Thực sự là không phải như vậy, bài viết dưới đây sẽ giải đáp sai lầm trên.
Vào những năm đầu thời điện thoại thông minh (SmartPhone) mới xuất hiện, thuật ngữ ‘Ứng dụng’ nghe rất là lạ đậm chất công nghệ. Có một lần người viết cùng ngồi uống cafe cùng với một nhóm người bạn, trong đó chỉ có một anh bạn diện một chiếc SmartPhone mà đến thời điểm này chắc chiếc điện thoại đó nếu có ai dùng thì cũng là chỉ để trưng bày. Trong chiếc điện thoại vào thời điểm đó, anh bạn tôi mới cài đặt được một ứng dụng quét được mã vạch trên sản phẩm, vậy là cả nhóm cùng sôi nổi bàn luận và trầm trồ về công năng của chiếc điện thoại kiểm tra được hàng thật ‘hàng xịn’ chỉ vì “máy nó đọc được mã vạch”.
Qua câu chuyện trên, quý vị cũng thấy rằng tiềm thức nhận biết hàng thật, hàng giả của hầu hết nhiều người được định hình bởi “công nghệ đọc được mã vạch”, trong đó có các “SmartPhone đọc được mã vạch”. Trở lại chủ đề liên quan về mã số mã vạch, trước tiên cùng tìm hiểu về sự ra đời và bản chất của mã số mã vạch.
Theo Wikipedia thì hai ông Bernard Silver và Norman Joseph Woodland là đồng tác giả đã sáng chế ra mã vạch và được bằng sáng chế đầu tiên về mã vạch. Tất cả bắt đầu từ năm 1948 khi ông Bernard Silver, lúc bấy giờ là một sinh viên cao học tại Ðại Học Drexel Institute of Technology (bây giờ là Drexel University) ở thành phố Philadelphia tình cờ nghe một ông giám đốc một số các tiệm thực phẩm gần đó yêu cầu một ông chủ nhiệm khoa làm cách nào giúp ông ta làm cho khách hàng thanh toán tiền bạc mau lẹ hơn. Vì lúc đó không có kỹ thuật nào, người thu ngân phải cho số tiền của từng món hàng một vào máy. Việc này mất rất nhiều thời giờ.
Ông Silver nói chuyện với ông Woodland về vấn đề này. Ông Woodland lúc đó đã tốt nghiệp trường Drexel và đang là một nhà sáng chế. Ông Woodland quyết định nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Theo lời ông kể thì ông chợt lóe lên một sáng kiến để giải bài toán này lúc đang ngồi trên bãi biển Miami Beach và ông đã vẽ sơ đồ trên cát.
Một trong những ý tưởng đầu tiên của họ là sử dụng mã Morse để in những vạch rộng hay hẹp thẳng đứng. Sau đó, họ chuyển sang sử dụng dạng “điểm đen” của mã vạch với các vòng tròn đồng tâm. Vì sáng chế này ông đã được Tổng Thống Bush trao tặng mề đay National Meday of Technology vào năm 1992.
Món hàng đầu tiên đăng ký mã vạch cho sản phẩm và được đọc qua máy là một thỏi kẹo cao su và bán tại thành phố Troy, tiểu bang Ohio vào ngày 26 tháng 6, năm 1974. Máy đọc mã vạch đầu tiên là do công ty NCR (National Cash Register) sản xuất.
Như vậy bản chất của mã vạch là cách mã hóa các dữ liệu một cách trực quan bằng những vạch màu rộng hẹp khác nhau, là một tổ hợp các vạch đen và trắng, mục đích để làm sao để cho máy có thể đọc và rút ra dữ liệu từ đó. Hay nói cách khác, máy đọc sẽ giải mã các vạch màu đen trắng của mã vạch để xuất ra một chuỗi kết quả tương ứng, kết quả này gọi là từ khóa hay keyword được định hình sẵn.
Khi đã định hình được một từ khóa cố định, hay gán vào một sản phẩm nào đó thì việc tìm kiếm trở nên dễ dàng, máy tính có thể truy xuất dữ liệu như: Tên sản phẩm, giá cả… một cách dễ dàng. Ứng dụng vào thực tế phổ biến nhất hiện nay là mã vạch được gán lên từng sản phẩm, giúp cho việc bán hàng truy xuất tên sản phẩm, giá cả… ra máy tính để in ra hóa đơn được nhanh chóng.
Do vậy không thể quy cho mã số mã vạch có chức năng chống hàng giả, hay khi đọc, quét (scan) bằng máy để xuất ra được kết quả tương ứng là khẳng định 100% là hàng thật. Tất nhiên sản phẩm được quét (scan) để kiểm tra vẫn là hàng thật 100% nếu sản phẩm đó không bị làm giả, làm nhái bởi những người cố tình làm giả, làm nhái để phụ vụ lợi ích của họ.
Từ thực tế cho thấy, mã số mã vạch chỉ có chức năng mã hóa các chỗi dữ liệu để máy tính hay bất kỳ máy móc nào hỗ trợ giải mã các vạch màu đã được mã hóa để lấy được chuỗi kết quả là từ khóa (keyword) rồi truy xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu mà thôi.
Như hình ảnh mã số – mã vạch trên, thì máy quét, hay các máy móc hỗ trợ không thể đọc số trên đó, mà chỉ đọc, quét, scan các vạch màu đen trắng, rộng hẹp khác nhau theo thuật toán rồi xuất ra chuỗi kết quả là từ khóa (keyword) là 8931234567897, điển hình là các phần mềm bán hàng tại các siêu thị, khi thiết bị quét mã vạch chuyên dụng soi chiếu vào mã vạch sản phẩm bất kỳ, thì chỗi từ khóa (keyword) được thu nhận hiển thị trên cổng chờ từ khóa của phầm mềm rồi truy tìm dữ liệu trong hệ thống, và chỉ việc in ra danh sách tương ứng, như tên sản phẩm, giá thành…
Để được sử dụng mã số mã vạch thì cần phải đăng ký sử dụng và phải tuân theo quy định của pháp luật nhất định. Do có rất nhiều sản phẩm được phân phối rộng khắp thế giới, nên một loại mã vạch có định dạng chuẩn EAN-13 là ví dụ, loại mã vạch này được quản lý và cấp phát tuân theo quy định chặt chẽ bởi tổ chức phi lợi nhuận GS1 toàn cầu, các quốc gia tham gia là thành viên được cấp đầu mã số theo từng quốc gia, ví dụ mã số của Việt Nam là 893. Tổ chức GS1 Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý và cấp phát mã số mã vạch cho các doanh nghiệp sau mã số 893.
Thật lý tưởng nếu tất cả chúng ta tuân thủ đúng quy định về sử dụng mã số, mã vạch. Có nghĩa là tất cả chúng ta là nhà sản xuất chỉ được sử dụng mã số, mã vạch khi đã được cấp sau khi đăng ký, hoặc được sự đồng ý cho phép sử dụng của người sở hữu, doanh nghiệp sở hữu, thì khi đó chúng ta không phải bận tâm về hàng giả, hàng nhái, miễn là trên sản phẩm có mã số, mã vạch.
Thật không may, các dạng mã vạch theo thuẩn EAN-13, QR Code, PDF417, 2D…. có thuật toán mã hóa khó khác nhau, nhưng lại rất dễ dàng tạo lập ra mã vạch bằng rất nhiều các công cụ phần mềm khác nhau, hay các mã vạch này hoặc có thể photocopy ra hàng ngàn bản dễ dàng. Bởi vì mã số, mã vạch chỉ là một hình ảnh trực quan, dễ dàng trông thấy, nhìn thấy bằng mắt thường, cho nên để ngăn cản những kẻ xấu cố tình làm giả, làm nhái một sản phẩm nào đó chỉ dựa trên yếu tố mã số, mã vạch thì là điều không thể.